Công trình thủy điện An Khê – Ka Nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai được khởi công xây dựng từ năm 2005 đến nay đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều lệ lụy do công trình thủy điện này gây ra vẫn chưa được giải quyết.
* Người dân tái định cư thiếu đất sản xuất
7 năm trước, 1.160 hộ của huyện K’Bang (Gia Lai) đã rời nơi ở cũ, nhường đất để xây thủy điện. Ngày về nơi ở mới, dân làng ai cũng tin cuộc sống của mình đã "sang trang mới” vì sẽ có đất, có nhà mới, sống sung túc hơn. Thế nhưng, thủy điện đã xây xong, điện cũng đã phát nhưng cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nhường đất xây thủy điện còn khó khăn, cơ cực hơn trước.
Nhìn những ngôi nhà san sát, mái xanh ngắt nằm yên bình giữa những quả đồi ai cũng nghĩ dân làng có một cuộc sống sung túc, no đủ. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. 108 hộ dân làng Krối, xã Đăk Sma không nhận đất được giao vì đất quá xấu, nhiều sỏi đá, không thể canh tác được. Trong khi người dân nhiều nơi đang háo hức chờ Tết đến nhưng người dân xã Đăk Sma, huyện K’Bang thì Tết với họ xa vời quá bởi cái ăn hàng ngày còn phải lo từng bữa. Giờ cái họ mong nhất, “ưng cái bụng” nhất là...có đất để sản xuất. Già làng Đinh Rai, làng Krối, xã Đăk Sma bày tỏ: "Ở chỗ cũ cuộc sống của dân làng không sung túc nhưng cũng hơn ở đây. Nơi ở mới tuy có nhà kiên cố nhưng lại không có đất để bà con canh tác. Mấy sào đất bên thủy điện cấp cho nhưng đất dốc, toàn sỏi đá thì bà con làm sao trồng bắp, trồng đậu được. Năm nay chắc dân làng đói rồi". Còn 188 hộ thuộc 2 xã Đăk Sma và xã Lơ Ku được giao 284,6 ha nhưng cũng đành để…cỏ dại mọc thay cây bắp, cây đậu vì không có đường dẫn vào nơi sản xuất do thủy điện chặn dòng làm ngập hết.
Không có đất sản xuất, bà con đành chấp nhận mưu sinh bằng những nghề khác, người lên rừng phát rẫy, kiếm đất trồng trỉa, người đánh bắt cá ở hồ đem đi đổi gạo…Anh Đinh Bích, làng Krối cho biết: Từ khi gia đình mình chuyển tới đây đến bây giờ vẫn chưa được cấp đất. Cuộc sống chủ yếu trông chờ vào mấy sào đất rẫy bạc màu do bố mẹ cho khi ra ở riêng, trồng được mấy cây bắp nhưng cũng chẳng thu được bao nhiêu. Nhà có 4 người mà chỉ có mấy sào đất nên không đủ ăn. Ngày nào không lên rẫy là mình đi ra trung tâm huyện làm bốc vác kiếm tiền mua gạo.
Ông Nguyễn Ngọc Thu, Chủ tịch UBND xã Đăk Sma cho biết: Cuộc sống của dân xã Đăk Sma, đặc biệt là làng Krối rất khó khăn. Không có đất sản xuất, số có đất sản xuất thì lại không có đường đi nên nguy cơ đói nghèo tái diễn. Tình trạng thiếu đất sản xuất trong thời gian dài còn gây ra nhiều hệ lụy đáng quan tâm như việc thanh niên nhàn rỗi, không có việc làm sẽ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
* Những hệ lụy trên dòng sông Ba
Việc công trình thủy điện An Khê - Ka Nát nắn dòng chảy, đưa toàn bộ nước đổ về sông Côn (tỉnh Bình Định), còn phía sông Ba chỉ cho chảy với lưu lượng vừa đủ khiến hàng ngàn hộ dân sống hai bên sông Ba như An Khê, Ia Pa, Kông Chro, Thị xã Ajun Pa, Krông Pa phải đối mặt với “khát”, với ô nhiễm môi trường.
Từ khi con sông Ba “đói nước” thì cuộc sống của hàng chục hộ dân ở xóm Chài lâu nay sinh sống bằng nghề đan lưới, đánh cá bị đảo lộn, nguồn lợi sống của họ bỗng chốc mất trắng. Giờ đa phần họ đã bỏ nghề tìm kế sinh nhai khác. Duy chỉ có những người già, chẳng biết chuyển nghề gì nên đành chấp nhận bám lấy nghề dù biết rằng bữa đói sẽ nhiều hơn bữa no. Từ ngày bị ngăn dòng, sông Ba từng trong xanh, đầy tôm cá đã chuyển thành đen kịt, các sinh vật thủy sinh tuyệt chủng hết do môi trường ô nhiễm nặng, lưu lượng nước chỉ với 4 m3 nước/s.
Ông Lê Văn Tín, phường An Bình, thị xã An Khê bức xúc: “Người già và trẻ nhỏ đều bị ảnh hưởng sức khỏe. Đã có nhiều hộ phải đi chở nước nơi khác về ăn uống và sinh hoạt. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết".
Bà Đặng Thị Yến, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã An Khê phân trần: “Nguyên nhân khiến sông Ba ô nhiễm là do các nhà máy bên trên xả thải cũng như mực nước sông quá thấp. Thực tế các nhà máy này vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn khi xả thải ra môi trường song do nước sông hầu như không chảy nên nước thải đọng lại sinh ra yếm khí, ô nhiễm môi trường. Chính quyền thị xã đang tích cực vào cuộc nhằm giải quyết triệt để tình trạng này”.
Sông Ba cạn nước không chỉ làm môi trường bị ảnh hưởng mà hàng trăm ngàn cư dân làm nông nghiệp lâu nay phụ thuộc vào nguồn nước của dòng sông cũng điêu đứng vì thiếu nước. Dọc hạ lưu sông Ba hiện có khoảng hơn 300.000 dân của thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Ia Pa, KBang, Krông Pa (đều thuộc tỉnh Gia Lai). Theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của số dân này khoảng 15 triệu m3/năm và họ cần hàng trăm tỷ m3 nước phục vụ sản xuất. Đấy là chưa kể một lượng nước khổng lồ cần cho các nhà máy công nghiệp lớn hoạt động dọc con sông này.
Trước thực trạng trên, Ban quản lý công trình thủy điện An Khê - Ka Nát và chính quyền tỉnh Gia Lai cần thống nhất tìm ra một giải pháp khả thi nhất trả lại cuộc sống yên bình cho hàng ngàn hộ dân, trả lại sự trong sạch cho dòng sông Ba.
Quang Thái
No comments:
Post a Comment