Cái giá tác hợp đạo kinh doanh
SGTT.VN - Thế nào là một doanh nhân chân chính? Đằng sau một gia sản lớn là một nhân cách lớn, hay chỉ là tội ác? Sự lau lách quá nhiều trong một cơ chế đầy biến động có làm cho phần con người của doanh nhân mất đi những gì tốt đẹp vốn có? Biết bao câu hỏi nhức lòng đang đặt ra trong ngày 13.10, ngày tết của doanh nhân… SGTT trao đổi với một số doanh nhân về đề tài này.
Ông Giản Tư Trung, chủ tịch sáng lập tổ chức giáo dục PACE: Cách “vì mình” khôn ngoan nhất là “vì người”
Ông Giản Tư Trung
|
Doanh nhân nào cũng muốn thành công, nhưng đâu là thước đo của thành công và làm sao để đạt được nó? Có phải thành công chỉ đơn giản là tiền tài, địa vị, danh vọng…
Có nhiều cách hiểu, nhiều góc nhìn khác nhau về cái gọi là “thành công” và “thành đạt”. Ở đây, thành công của một con người nói chung (chứ không riêng gì doanh nhân) được nhìn nhận dưới góc độ là những gì họ mang lại và/hoặc gây ra cho người khác, cho xã hội; còn thành đạt là đạt được những gì họ muốn. Như vậy, một người có thành công hay không thì phải do người ngoài, do xã hội nhìn nhận và đánh giá; còn một người có thành đạt hay không thì chỉ có người đó mới biết.
Thành công của doanh nhân được đo bằng thành công của doanh nghiệp mà họ lãnh đạo. Nhưng có thể nói, đóng góp lớn nhất của một doanh nghiệp cho xã hội sẽ được chuyển tải rõ ràng nhất và trực tiếp nhất qua chính sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đó mang lại.
Thành công của doanh nghiệp còn được đánh giá bởi quá trình tạo ra và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đó có gây ra hệ lụy gì, hậu quả gì cho xã hội hay không cả về trước mắt lẫn lâu dài. Có một cách phân chia vui về các kiểu kinh doanh của doanh nghiệp như vậy. Cách thứ nhất: kiếm tiền bằng cách mang (mang lại các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của xã hội, giải quyết vấn đề xã hội, làm cho xã hội thay đổi và tốt đẹp hơn). Cách thứ hai: kiếm tiền bằng cách gây (vì tiền doanh nghiệp sẵn sàng gây ra những hậu quả cho xã hội mà bất chấp lợi ích cộng đồng như làm hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại…). Cách thứ ba: kiếm tiền bằng cách cả mang và gây (vẫn tạo ra giá trị, vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng lại gây ra hệ lụy cho xã hội).
Có thể thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng chỉ có con đường thứ nhất mới đem lại thành công bền vững và quyết tâm theo đuổi con đường này, dù đây là con đường đầy chông gai, đầy khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những doanh nghiệp đang dẫm chân trên con đường thứ hai và thứ ba.
Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến thực trạng này, nhưng có thể kể đến ba lý do phổ biến nhất là: 1. do thiếu nhận thức/kiến thức (nói vui là “chết vì thiếu hiểu biết”), 2. do những khó khăn nghiệt ngã của con đường kinh doanh buộc họ phải làm như vậy dù biết rõ là không hay (nói vui là “bần cùng sinh đạo tặc”), 3. do sự cám dỗ muốn kiếm được nhiều tiền hơn nữa bằng mọi giá (nói vui là “tham thì thâm”).
Nếu muốn đất nước phát triển bền vững thì hơn ai hết, các doanh nhân chỉ có con đường duy nhất là kinh doanh theo tiêu chí bền vững. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật
|
Nhưng, xã hội sẽ chỉ luôn nhìn vào cách thức kiếm tiến và cách thức xài tiền của doanh nghiệp để đánh giá doanh nghiệp đó và người dẫn dắt nó (doanh nhân) có thể thành công hay không, có xứng đáng được tôn trọng hay không. Với thước đo đó, một doanh nghiệp ít nhân viên, doanh số nhỏ, ít làm từ thiện, ít thuế… vẫn có thể được xem là có đóng góp nhiều cho xã hội khi doanh nghiệp đó có ảnh hưởng lớn đến xã hội, góp phần kiến tạo xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cuối cùng, bàn về thành công của doanh nhân, không thể không nói tới đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thế nhưng, vẫn còn ý kiến cho rằng việc kêu gọi doanh nhân phải thực thi đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội là gượng ép và chưa thuyết phục, bởi nhiệm vụ chính của doanh nhân là kinh doanh (làm ra của cải vật chất, tạo ra giá trị cho xã hội) chứ không phải người làm từ thiện hoặc đi lo các vấn đề xã hội, càng không phải là một nhà đạo đức. Nói nôm na, miễn doanh nhân “vì mình” nhưng không gây hại gì cho xã hội là cũng xứng đáng được công nhận rồi.
Nhưng, nếu đặt vấn đề này trong mối quan hệ giữa mình với người, thì có thể thấy rằng có nhiều cách “vì mình”, nhưng cách “vì mình” khôn ngoan nhất là “vì người”, là mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng cách mang lại hạnh phúc cho người khác (“vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất”). Ví dụ, động lực lớn nhất để doanh nghiệp bảo vệ môi trường không nhất thiết là vì họ yêu môi trường hay họ có trách nhiệm với xã hội, mà là vì họ yêu chính mình và vì sự tồn tại của chính mình, và hành động đó sẽ giúp họ nhận được sự tin cậy từ xã hội. Một khi đã được xã hội tin cậy thì thành công sẽ đến sau đó, cả về phương diện tiền bạc lẫn danh tiếng
Tóm lại, tiền tài, địa vị, danh vọng hay cái gì đó mà con người ta nhận được luôn là hệ quả của những gì mà họ đã làm; và luôn bằng với những gì mà họ mang lại hay gây ra. Đây là một hằng số. Với một doanh nhân, họ cũng sẽ thành công và nhận được những gì mình muốn và xứng đáng được nhận sau khi đã nỗ lực phụng sự xã hội, giải quyết các vấn đề của xã hội thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình.
TS Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa: Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, chụp giật, đầu cơ
Tiến sĩ Alan Phan
|
Phần lớn những doanh nhân thành công ở các thị trường mới nổi cho rằng việc kiếm tiền cho doanh nghiệp là một hoạt động hoàn toàn về kinh tế, không liên quan gì đến đạo đức xã hội hay tôn giáo hay triết lý. Họ thường bào chữa cho các hành xử sai trái trong công việc quản trị hàng ngày bằng một lời phán, “ai cũng làm như thế cả”.
Một bản nghiên cứu của Harvard năm 1998 cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng đoàn thể… Đây là cách xây dựng thương hiệu hoàn hảo nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Với một thương hiệu tiếng tăm và bền vững, công ty có thể tìm một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn các đối thủ cạnh tranh, một thị phần cao hơn của khách hàng trung thành và kết quả là một thành tựu khả quan hơn về tài chính.Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ tạm bợ, bạo phát bạo tàn.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thông cảm cho những áp lực hàng ngày mà bất cứ doanh nhân nào làm ăn tại Việt Nam phải vượt qua. Ngoài tình trạng bấp bênh của một nền kinh tế vĩ mô thôi thúc bởi những khó khăn như lạm phát, lãi suất và tỷ giá, các doanh nghiệp Việt phải hoạt động trong một môi trường khá đặc thù khác hẳn thế giới bên ngoài.
Trước hết, sự thiếu vốn của các doanh nghiệp khá phổ thông và thói quen phải gối lưng cho khách hàng nợ hơn 100 ngày khi thanh toán hóa đơn làm kiệt quệ nhiều hoạt động cần thiết. Cái khó khăn khác là sự thiếu minh bạch trong thông tin, kế toán, thuế vụ, chi phí khiến nhiều doanh nghiệp hành xử như kẻ mù giữa rừng gươm. Thử thách lớn nữa là những thủ đoạn cạnh tranh bất chính của đồng nghiệp từ cách làm hàng nhái, hàng giả…đến những phá hoại ngầm khá hữu hiệu. Sau cùng là những dây nhợ trói buộc từ những thủ tục hành chánh phức tạp đến những phí tổn bôi trơn cao ngất.
Người Mỹ có câu nói là khi con cá sấu gần táp vào quần của bạn thì bạn khó mà nhớ được mục đích ban đầu của bạn là phải khai thông dòng suối. Đây cũng có thể chỉ là một cách để thoái thác trách nhiệm, để tăng lợi nhuận cho cá nhân và bảo vệ tiếng tăm cho phe nhóm.
Nhưng một doanh nghiệp muốn tăng trưởng bền vững phải sẵn sàng trả giá cho hành vi đạo đức của mình.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Đời doanh nhân dài ngắn tùy theo sự gieo “tâm tính” hay “toan tính” của mình
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
|
Kinh doanh ở Việt Nam không là nơi cho người nghệ sĩ làm được nghệ thuật. Nên cái may mắn để tồn tại và phát triển doanh nghiệp trong một giai đoạn lại là yếu tố bao trùm bên ngoài khả năng tự thân. 22 năm qua, từ buổi đầu chỉ mong kiếm được ít tiền cho một ngày chợ của việc vẽ vài cái áo, đến lúc có thể nhìn lại những gì tạo dựng hôm nay từ hai bàn tay trắng, tôi biết mình may mắn thành đạt. Cái vận may ấy có được từ cuộc thi tôn vinh trở lại tà áo dài dân tộc, từ một cô gái xa lạ nhờ vẽ trên áo trắng học sinh để đi thi người đẹp. Cái vận may nhờ quy định đồng phục áo dài ở trường học, công sở. Tôi còn may mắn vì chẳng chút kiến thức kinh tế học nhưng khi viết ra loạt chữ khác nhau về ý và từ “Doanh nhân - Chiến sĩ - Tù nhân - Tội ác - Công trạng - Tôi phạm - Danh nhân - Tử tù - Hy sinh” để thấy dường như đời doanh nhân dài ngắn chỉ là một nhân quả tùy theo sự gieo “tâm tính” hay “toan tính” của mình trên con đường kinh doanh.
Những mục tiêu kinh doanh của tôi luôn hướng tới ích lợi cho bản thân, gia đình, các cộng sự và cộng đồng. Sự khao khát học hỏi để hiểu biết, thoát nghèo về tri thức, tư tưởng, tầm nhìn… là căn bản để sống và làm việc. Như một định nghĩa trong Thiền: rèn luyện sao cho mình hướng tới được những điều tốt mỗi ngày.
TS. LS Phan Trung Hoài: Cái giá tác hợp đạo kinh doanh
Luật sư Phan Trung Hoài
|
Gần ba mươi năm hành nghề luật, trong đó hơn hai mươi hai năm hành nghề luật sư vào thời điểm chuyển mình của đất nước, tôi có điều kiện chia sẻ, song hành cùng nhiều doanh nhân từng đối diện với những thử thách khắc nghiệt, thậm chí có thể tước đoạt mạng sống của chính họ. Tôi hiểu thêm, chính ở thời khắc sinh tử ấy, phẩm chất và con người thật của họ được bộc lộ ở tầng nấc sâu kín nhất. Đôi khi, tôi nghĩ mình có cơ duyên trong nghề nghiệp, khi được tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những người đứng đầu doanh nghiệp trong những vụ án hình sự, kinh tế đặc biệt lớn, từ vụ án Minh Phụng - Epco, Tamexco, Vietcombank, cho đến các vụ án xảy ra tại công ty Lương thực thành phố, công ty liên doanh Sài Gòn ô tô, Tân Trường Sanh, Đông Nam hay Rusalka Khánh Hòa, nông trường sông Hậu… Thật không hình dung được, qua cơn biến động thời cuộc và tố tụng đó, bản thân tôi cũng trưởng thành lên mỗi ngày, thấm thía hơn giá trị của cuộc sống, học hỏi được rất nhiều về cách họ đứng lên sau thất bại, ý chí mạnh mẽ, khát vọng sinh tồn vượt lên cái chết.
Điều may mắn thật sự là những thân chủ - khách hàng của tôi đa phần là những số phận, hoàn cảnh bị đưa đẩy vào vòng xoay tố tụng do những tác động, va đập giữa pháp luật không theo kịp với đời sống, là sự nhận thức, suy diễn chủ quan, nhận diện sai lệch từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng về ranh giới mỏng manh giữa rủi ro trong kinh doanh và hành vi bị coi là tội phạm. Tôi nhìn thấy ở họ phẩm chất doanh nhân, sự thẩm thấu kiến thức và kinh nghiệm thương trường, cùng một chút phiêu lưu, mạo hiểm, tìm cơ hội khi dòng máu kinh doanh tràn ngập trong huyết quản đã tạo nên chính thương hiệu và tên tuổi con người họ. Rất hiếm hoi tôi mới gặp phải trường hợp họ không kiểm soát được chính mình, bị tha hóa về mặt đạo đức thương trường khi mong muốn làm giàu bằng mọi giá…
Ký ức của tôi luôn đầy ắp những thân phận - doanh nhân đang tạo nên diện mạo phát triển kinh tế đất nước và ở đó, tôi thấy nhiều những rủi ro mà họ đang phải gánh chịu để tạo lập nên cái gọi là đạo kinh doanh của doanh nhân Việt… Đã từng thấy những người vợ của họ khóc thầm bên song sắt nhà tù, ngất xỉu khi nghe chồng bị tuyên án, những cuộc chia tay đẫm nước mắt, những đứa con côi cút, lạc lối thiếu chỗ dựa vững chãi của người cha… tôi cảm nhận rất rõ ràng trong dòng chảy đạo kinh doanh ấy, có lẽ có quá nhiều máu, mồ hôi và những giọt nước mắt tác hợp mà thành.
Bà Trần Thị Tuyết Nga, chủ nhân khu du lịch Một thoáng Việt Nam: Hãy nghĩ xa hơn
Bà Trần Thị Tuyết Nga
|
Tiêu chí doanh nhân đang được hiểu một cách quá đơn giản. Nếu doanh nhân là một trong những nguồn động lực chính để thúc đẩy xã hội phát triển thì các doanh nhân đang gánh trên vai mình những trọng trách hết sức nặng nề.
Nếu muốn đất nước phát triển bền vững thì hơn ai hết, các doanh nhân chỉ có con đường duy nhất là kinh doanh theo tiêu chí bền vững: hoạt động trên nền tảng văn hóa đạo đức, tôn trọng tự nhiên, tôn trọng môi trường sống của chung quanh, nghĩ xa hơn, nghĩ trên hết đến lợi ích lâu dài của đất nước, của mọi người trước khi tính toán việc mình định kinh doanh, phương thức kinh doanh, cách ứng xử trong kinh doanh v.v. Việc kinh doanh, như thế, sẽ khó khăn hơn rất nhiều, lợi nhuận có thể sẽ ít đi, nhưng đổi lại sẽ là lợi ích chung, lâu dài của cả xã hội.
Bà Ngô Thị Báu, giám đốc công ty thời trang Nguyên Tâm (nhãn hiệu FOCI): Sự đứt gãy thế hệ tổn thương đến phát triển kinh tế quốc gia
Bà Ngô Thị Báu
|
Mười lăm năm thử thách với thương trường, những gì có được hôm nay của tôi thật khiêm tốn. Với nỗ lực lao động không ngừng, vì ý thức của nhân sự trong xã hội cũng còn nhiều hạn chế, có thể do văn hóa làm chủ chiếm lĩnh khá nhiều trong ý thức . Doanh nghiệp trong nước với kinh nghiệm còn hạn chế, tiềm lực còn hạn chế, điều kiện kinh tế vĩ mô nhiều biến động thật sự là khó khăn.
Xâu chuỗi lại chiều dài từ những năm đổi mới đến giờ, thành quả của chúng ta cũng chẳng được là bao so với bề dày của các nền kinh tế khác. Sự hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong mỗi giai đoạn đều có những biến động riêng tạo nên sự đứt gãy thế hệ, làm tổn thương sự phát triển kinh tế của quốc gia. Là người Việt Nam, doanh nhân hay không doanh nhân thì cũng đều là con người cả. Sống hết lòng với chính mình, với gia đình và xã hội, đặt chữ tâm lên hàng đầu là kim chỉ nam và mục đích sống của tôi.
KIM YẾN (THỰC HIỆN)
SCT: Xin chia sẻ bài cũ trên báo sgtt nhưng vẫn rất thời sự
No comments:
Post a Comment