Ô nhiễm sông Đồng Nai đe dọa 11 tỉnh thành | ||
Thứ hai, 21/01/2013, 07:36 (GMT+7) | ||
20 triệu người thuộc 11 tỉnh thành cần nguồn nước từ sông Đồng Nai phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm tăng nhanh tại con sông này trong thời gian qua đang có nguy cơ đẩy 20 triệu người vào chỗ không có nước sạch để dùng. Để cứu lấy con sông này, một ủy ban liên vùng đã được thành lập, nhưng sau 5 năm hoạt động, kết quả vẫn chỉ là con số 0.
Để minh chứng cho luận điểm trên, ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, dẫn chứng, với TPHCM, vấn đề môi trường bức xúc, nổi cộm là dân số tập trung quá đông, lượng nước thải sinh hoạt rất lớn nhưng chưa xử lý triệt để. Nước thải y tế, nhất là tại hệ thống bệnh viện công vẫn chưa thể thu gom, kiểm soát đầy đủ. Sự cố tràn dầu từ hoạt động giao thông thủy ngày càng nhiều. Thực tế này đã dẫn đến hệ quả nồng độ các chất vi sinh, dầu trong nước sông đoạn chảy qua địa phận TPHCM luôn ở ngưỡng cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Riêng với tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương, mối nguy hại nhất lại chính là nước thải sản xuất công nghiệp và sự suy giảm diện tích rừng do nhường đất cho phát triển công nghiệp. Còn với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc phát triển nhanh hệ thống cảng biển, dự án kho và khu công nghiệp đã và đang tác động mạnh đến sự ổn định trong quy hoạch diện tích rừng ngập mặn, gây nhiều nguy cơ rủi ro môi trường cho sông Đồng Nai.
Riêng với các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hoặc có phép nhưng thiếu đầu tư hệ thống xử lý chất thải, cộng với tình trạng di dân tự do và hàng loạt nhà máy điện được cấp phép xây dựng nhưng thiếu đánh giá đầy đủ những tác động đến môi trường, khiến diện tích rừng bị khai thác bừa bãi. Diện tích rừng suy giảm nhanh chóng, sự đa dạng sinh học cũng vì thế mà bị biến đổi theo.
Kết quả khảo sát diễn biến chất lượng nước sông Đồng Nai do Sở TN-MT TPHCM thực hiện suốt 5 năm qua cho thấy, nồng độ các chất COD, BOD5 và đặc biệt là vi sinh và dầu luôn ở mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Chỉ số này cũng tương thích với số liệu điều tra do Bộ TN-MT đưa ra. Chỉ có điều, mức độ ô nhiễm khác nhau tại các khu vực. Theo đó, đoạn sông nào thuộc địa phận những tỉnh có số lượng khu công nghiệp, doanh nghiệp nhiều thì ô nhiễm cũng nặng hơn. Riêng tại những tỉnh thuộc khu vực hạ lưu sông Đồng Nai là Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM hứng chịu nhiều nhất tác hại của ô nhiễm từ các tỉnh thượng nguồn đổ về.
Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc, đã có hàng ngàn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh phải bỏ nghề nuôi trồng thủy sản vì nguồn nước quá ô nhiễm. Tỉnh đã rất nỗ lực cải thiện tình trạng vi phạm môi trường của các doanh nghiệp cũng như cải thiện chất lượng nguồn nước đoạn chảy qua địa bàn tỉnh, nhưng chẳng ích gì khi chất ô nhiễm từ thượng nguồn vẫn đổ về địa bàn tỉnh hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
Trong khi chất lượng nước sông Đồng Nai đang bị suy giảm từng ngày, từng giờ thì giữa các địa phương, bộ ngành liên quan vẫn đang tranh cãi với nhau về cách thức bảo vệ sông Đồng Nai. Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, cho rằng, để cải thiện cũng như có thể kiểm soát chất lượng nguồn nước sông nhất thiết phải có kinh phí. Nhưng cho đến nay, khi kinh phí được phê duyệt lại vướng Luật Ngân sách, không thể chi, sử dụng. Mặt khác, nguồn kinh phí khác có thể chi lại bị cắt bớt rất nhiều. Thành ra vốn đầu tư cho dự án cải thiện môi trường nhỏ giọt, hiệu quả không cao.
Phản biện lại ý kiến này, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, kinh tế những năm qua gặp không ít khó khăn. Do vậy, buộc phải ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho hoạt động kinh tế. Còn với các dự án môi trường, trước hết các tỉnh cố gắng gói ghém trong nguồn ngân sách cân đối lại cho địa phương là 1%. Bộ sẽ cố gắng tìm từ nguồn vốn hỗ trợ ODA để hỗ trợ địa phương đầu tư cho các dự án môi trường.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, để đầu tư cho một dự án cải thiện môi trường đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. 1% cân đối từ ngân sách để lại không thể đáp ứng yêu cầu đầu tư. TPHCM trong những năm qua phải vận động từ nhiều nguồn vốn, trong đó không ngoại trừ vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, mới có thể tạm đủ để đầu tư dự án cải thiện môi trường trên địa bàn.
Không chỉ bất đồng ở cấp trung ương, hầu hết đại biểu các tỉnh thành đều cho rằng sở dĩ Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai hoạt động không hiệu quả vì chủ tịch ủy ban là do cấp chủ tịch tỉnh, TP đứng đầu. Ở cấp này, sự điều phối hoạt động ủy ban không thể dựa trên tính pháp lý mà chủ yếu là tính đồng thuận. Vậy trong trường hợp một đề xuất do ủy ban đề ra vấp phải ý kiến phản đối của một số tỉnh thì cũng không thể thực hiện được.
Đơn cử như liên quan đến chọn lợi ích kinh tế hay lợi ích môi trường, đại diện tỉnh Đắk Nông khẳng định, nếu để chọn giữa giữ diện tích rừng và doanh nghiệp, chắc chắn tỉnh sẽ phải chọn doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ thực tế kinh tế tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập người dân còn thấp. Nếu giữ rừng cho tỉnh hạ nguồn sạch thì đến bao giờ thu nhập người dân tỉnh thượng nguồn mới bằng hạ nguồn? Trong khi đó, các tỉnh hạ nguồn cho rằng nếu khai thác rừng phía thượng nguồn thì ảnh hưởng nặng đến hoạt động sản xuất sinh hoạt phía hạ nguồn do nguồn nước bị ô nhiễm chất thải và nhiễm mặn cao.
Để có thể giải quyết được những bất đồng trên, đồng thời phát huy vai trò của Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, nhất thiết chủ tịch ủy ban phải có sự tham gia từ Chính phủ. Chỉ như vậy mới đủ tầm bao quát tạo nên quy hoạch chung, trong đó có sự điều phối lợi ích kinh tế và môi trường giữa các tỉnh thành trong vùng. Mặt khác, giải tỏa những vướng mắc liên quan đến thủ tục tài chính. Có thể nói, nước sông Đồng Nai đã ô nhiễm nặng và tốc độ gia tăng ô nhiễm ngày càng nhanh. Cứu lấy con sông này cũng đồng nghĩa với việc cứu lấy cuộc sống của 20 triệu người dân. Vậy mà đã 5 năm trôi qua, mọi nỗ lực ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện nước sông vẫn giậm chân tại chỗ.
Ái Vân
|
No comments:
Post a Comment