Cơ hội nói thật và làm thật
TP - “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cơ hội rõ nhất là chúng ta nói thật và làm thật, vì mọi thứ bệnh tật đã lộ ra rồi. Đây là cơ sở để xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho những năm tiếp theo...”.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trả lời Tiền Phong, quanh vấn đề nhận định về kinh tế năm 2013.
PGS.TS Trần Đình Thiên. |
Đừng để ngất quá lâu
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông nhìn nhận kinh tế Việt Nam hiện đang ở mức độ nào?
Giờ là lúc có triển vọng nhất do tình hình kinh tế cũng đã xuống gần đến đáy rồi. Theo quy luật rồi cũng phải đi lên, miễn là chúng ta đừng để “ngất” quá lâu ở đáy. Chính phủ đang tập trung giải tỏa nhưng chưa biết thế nào. Tái cơ cấu là phải làm triệt để.
Về triển vọng kinh tế năm 2013, đừng đo theo cách thông thường là tăng trưởng. Phải có sự thay đổi, cách tăng trưởng, phân bổ nguồn lực mới là quan trọng.
Những yêu cầu thực tế này đặt ra rất rõ ràng và tương lai có lạc quan hay không phải nhìn vào những vấn đề trên. Tăng trưởng có xuống nữa có khi còn lạc quan hơn trong bối cảnh hiện nay, vì cái đó là việc ngắn hạn. Bớt tăng trưởng mà tạo được cơ sở cho tăng trưởng dài hạn còn tốt hơn.
Việt Nam là nước đi sau, nên đáng ra phải tránh được những bài học mà nước đi trước đã trả giá để tận dụng được các lợi thế tuyệt đối, nhưng chúng ta đã không làm được là điều đáng tiếc. Có chọn được những mô hình tốt thì mới có sự nhảy vọt được.
Đây là điều đã được tranh luận nhiều trong các năm qua. Năm 2011 tôi đã nói đấy là năm còn khó hơn năm 2008, thời điểm khủng hoảng tác động đến Việt Nam. Còn cụ thể hơn thì nó còn khó hơn cả so với năm 1986, thời điểm thực hiện Đổi Mới.
Nhiều người phản ứng làm gì đến mức so sánh dữ dội thế. Tôi bảo lạm phát giờ 20%, thấp hơn mức lạm phát tới 700% năm 1986 nhưng nay tình hình khó khăn rất khác so với trước đây.
Việc tái cơ cấu hoàn toàn có thể làm được. Riêng về đánh giá dài hạn của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến tốt.
Điều này có nghĩa ta hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn lực bên ngoài, từ thế giới để xử lý vấn đề nội tại. Cùng đó phải thay đổi cách nhìn, bỏ tầm nhìn “sâu đo” 6 tháng, một năm thì mới được
PGS.TS Trần Đình Thiên
|
Năm 2012, tôi cũng mang tiếng bi quan khi nói tình hình sẽ khó hơn cả năm 2011. Thực tế ai cũng thấy tình hình khó khăn thật, đến mức Chính phủ phải nhận khuyết điểm. Cái khó này cũng buộc người ta phải nhìn ra những vấn đề đang phải đối mặt.
Còn 2013, thì lại tiếp tục khó hơn nữa. Với tình hình vốn như thế này thì doanh nghiệp còn chết nhiều nữa. Kéo theo vấn đề thu nhập giảm sút, mất công ăn việc làm. Đó là chưa kể vấn đề lòng tin suy giảm.
Ông có thể lý giải vì sao lại như vậy?
Tôi cho rằng, điều này do tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam cơ bản đã “ăn” hết rồi. Cái nữa khi hội nhập vào WTO ta cứ tưởng “ăn to” nhưng thực tế lại liên tục đi xuống.
Trong khi Trung Quốc đã tận dụng được lợi thế hội nhập, bằng chứng là họ liên tục tăng trưởng từ năm 2000 đến nay, còn mình từ khi hội nhập năm 2007 đến nay liên tục đi xuống.
Điều này do ta không có chuẩn bị gì cho hội nhập cả. Con đường xưa nay chưa có đầu tư nước ngoài vào, mới chỉ 3-4 tỷ USD/năm, đã chật cứng rồi. Nay đưa vào 20 tỷ USD/năm mà vẫn con đường đó thì đương nhiên nó tịt, tắc nghẽn lại.
Nguồn nhân lực của ta nhìn lại có gì nào? Phải thừa nhận tất cả những năng lực hiện có chỉ đủ dùng theo kiểu ngày xưa chứ không phải cho bây giờ, kể cả năng lực điều hành phát triển.
Vì vậy, đồ thị năng lực cạnh tranh của Việt Nam cứ nhấp nhổm và cơ bản theo chiều hướng đi xuống. Hội nhập rồi mà đà tăng trưởng cứ đi lên nhưng năng lực cạnh tranh lại đi xuống, làm gì có chuyện ngược đời như vậy. Nhưng nó lại đang là thực tế.
Như ngân hàng, không lo củng cố chất lượng mà cứ làm tràn lan, dẫn tới sự rủi ro lớn. Ngay như việc chuẩn bị doanh nghiệp cũng không có. Do không có sự chuẩn bị cho năng lực hội nhập nên khi hội nhập thật, ông không thể hội nhập được.
Ngay cả việc trường đại học chúng ta có rất nhiều nhưng chất lượng nguồn nhân lực không cải thiện được. Lợi thế đi sau vì thế cũng không tận dụng được.
Điểm nữa là việc định vị chúng ta cũng chưa làm tốt. Như tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 - 2030 thì ngành công nghiệp Việt Nam phải làm cái gì, đứng vị trí nào, giữ cái gì, cung cấp cho thế giới cái gì trên bản đồ công nghiệp thế giới.
Như Hàn Quốc họ có mục tiêu rất rõ ràng còn ta chưa có mục tiêu gì. Ngay như việc ta hô hào nông nghiệp là thế mạnh, nhưng hỏi đến 2030 nông nghiệp Việt Nam là cái gì thì không rõ. Đến giờ công nghiệp hỗ trợ cũng chưa rõ, còn công nghiệp theo hướng hiện đại lại càng chưa có.
Nên tầm nhìn không rõ, từ đó cũng chưa rõ cả chiến lược hành động. Vì vậy, khi làm chính sách mà bị lệ thuộc quá nhiều vào lợi ích nhóm cục bộ khác nhau là có sự xung đột.
Ngay cả việc kiểm điểm trước Quốc hội hiện nay cũng chỉ theo mục tiêu của 6 tháng - 1 năm, trong khi có những việc phải buộc kiểm điểm trong dài hạn thì mới ra chuyện.
Cơ hội nói thật, làm thật
Như ông nói, trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội, theo ông, chúng ta có những cơ hội và những thách thức gì trong 2013?
Cơ hội lớn nhất hiện nay là nói thật và làm thật, vì có muốn che giấu cũng không được. Tất cả bệnh tật đã lộ ra rồi. Vấn đề còn lại là xử lý từng căn bệnh ra sao, cái nào trước, cái nào sau. Tuy nhiên, đến nay chưa có con số nợ xấu chính xác của toàn quốc gia. Nợ xấu của ngân hàng theo báo cáo mới nhất là 400.000 tỷ đồng.
Nợ xấu trong bất động sản còn cao hơn rất nhiều. Khi tái cơ cấu là phải giải tỏa được những vấn đề trên và phải có tiền. Như với Vinashin, tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ mới đây, báo cáo nợ xấu tại tập đoàn này chỉ hơn 8.000 tỷ đồng, trong khi thực tế lớn hơn rất nhiều, vì nhiều khoản nợ không được đưa vào.
Trong khi nợ xấu quốc gia là phải tổng hợp tất cả các khoản. Tính riêng Vinashin, để cứu được phải cần tới 100.000 tỷ đồng và thực hiện trong vài năm.
Hiện chương trình tái cơ cấu của ta chưa phải là chương trình hành động và chưa rõ tính khả thi. Để làm được phải có chương trình cụ thể. Như với 12 tập đoàn nhà nước, phải đặt ra chương trình tái cơ cấu cụ thể với những hướng giải quyết chung cho tất cả chứ không phải mỗi ông tự đề xuất riêng việc tái cơ cấu cho mình.
Còn nói có cơ hội gì thì phải khẳng định toàn bộ cơ hội nằm trong khái niệm của Đại hội Đảng là “hành động thực sự” để tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng. Hiện nói rất nhiều, quyết tâm cao nhưng chương trình hành động thực sự thì còn nhiều điểm cần rõ ràng hơn.
Để tái cơ cấu bất động sản, ngân hàng, chúng ta có thể đi vay, còn tăng trưởng thì ta vẫn có nguồn lực để thực hiện. Nhưng cái chúng ta đang có không đảm bảo cho tăng trưởng như mức mong muốn, huống hồ phải thực hiện thêm tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu phải rõ ràng, quyết liệt vì càng để lâu chi phí xử lý càng tăng cao. Điều đáng lưu ý hiện nay đó là Trung Quốc cũng đang thực hiện tái cơ cấu ở nhiều mặt và họ đẩy các công nghệ cũ đi cũng là vấn đề Việt Nam phải tính tới.
Tái cơ cấu phải có tiền, còn nhanh hay chậm tùy thuộc vào nguồn lực thực tế. Như tái cơ cấu Vinashin thì phải cần tới 100.000 tỷ đồng. Có số tiền như vậy thì mới trả lương, đóng bảo hiểm, trả các khoản nợ được. Còn nếu cấp nhỏ giọt thì không giải quyết được.
Muốn tái cơ cấu được thì phải bỏ tiền ra. Còn muốn tái cơ cấu nhanh thì phải bỏ thật nhiều tiền ra, đó là chưa kể đầu óc phải thật sự khỏe. Còn không có thì cứ bình tĩnh.
Xưa nay các nguồn lực đều dồn vào tăng trưởng trong khi hiện không thấy nguồn tiền để thực hiện tái cơ cấu. Riêng với ngành ngân hàng ở Việt Nam ước tính phải mất 5 tỷ USD để thực hiện tái cơ cấu.
Cảm ơn ông.
Bá Kiên - Phạm Tuyên
No comments:
Post a Comment