Dự án thủy điện 6 và 6A - Tác động khôn lường, không có khả năng khắc phục |
Thứ hai, 17/12/2012, 05:59 (GMT+7) |
Hôm
qua 16-12, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - VRN đã tổ chức hội thảo
chuyên đề đặc biệt “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của thủy điện Đồng
Nai 6 và 6A” nhằm tạo diễn đàn đa chiều về tác động tiềm năng và những
vấn đề cần lưu ý của 2 dự án thủy điện 6 và 6A do Công ty cổ phần Tập
đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư.
Theo TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia biến đổi khí hậu và tài nguyên nước, thành viên Ban tư vấn VRN, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về 2 dự án thủy điện này còn nhiều lỗ hổng chưa được làm rõ. Thứ nhất, cả thủy điện 6 và 6A đều có diện tích chiếm dụng Vườn quốc gia Cát Tiên trên 50ha. Đây là những dự án cần phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong báo cáo ĐTM đã không hề nêu căn cứ pháp lý quan trọng này. Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công thương. Do vậy, trước khi tiến hành các bước tiếp theo như thiết kế khả thi, chủ đầu tư phải xúc tiến các bước trình các cơ quan nhà nước liên quan để có tờ trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư.
Thứ hai, dự án 6
và 6A không phải là công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên
việc xây dựng 2 dự án này vi phạm Điều 7 Luật Đa dạng sinh học.
Thứ ba, nghi ngại diện tích rừng bị mất sẽ cao hơn.
Theo báo cáo
ĐTM, dự án Đồng Nai 6A sẽ làm mất 174,6ha rừng, còn dự án Đồng Nai 6
tổng diện tích cấp đất cho công trình là 197,63ha. Con số này được tính
toán dựa vào diện tích đất bị ngập nước, phần đất rừng bị chiếm do xây
dựng công trình và phần đất dành cho thi công.
Các con số này
hoàn toàn không đúng trong thực tế. Kinh nghiệm từ việc xây dựng hồ chứa
nước của các công trình thủy điện cho thấy, diện tích rừng bị mất
thường cao hơn từ 20% - 30% so với diện tích rừng bị ngập nước, cũng có
những công trình mất nhiều hơn, lên tới 60% - 70% diện tích nước mặt hồ!
TS Lê Tự Trình, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN, cảnh báo, nếu dự án 6 và 6A được phép triển khai thì không chỉ hệ sinh thái của khu bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên bị phá vỡ mà còn những tác động kèm theo như vết dầu loang. TS Lê Tự Trình cho rằng, với những dự án nào nằm trong vườn bảo tồn thì Chính phủ kiên quyết không cho phép đầu tư khai thác vào các mục đích khác, không nên nói là tạm dừng! Các thảo luận tại hội thảo đã thể hiện rõ quan điểm đối với dự án thủy điện 6 và 6A. Đó là cần đặc biệt quan tâm về các công ước và sự công nhận của quốc tế đối với vườn quốc gia, vì Cát Tiên thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. UNESCO đang thẩm định hồ sơ công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là khu di sản thiên nhiên thế giới, do đó sẽ khó thuyết phục UNESCO nếu không có cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.
Vườn quốc gia
Cát Tiên cùng với sông Đồng Nai có tính đa dạng sinh học cao cùng giá
trị quý giá về văn hóa lịch sử - khảo cổ nhưng chưa được đánh giá tác
động chính xác, cụ thể và khách quan. Điều quan trọng là tác động hạ lưu
của 2 thủy điện chưa được đánh giá đầy đủ. Tác động của 2 dự án cho môi
trường tự nhiên và xã hội sẽ rất lớn, gây hậu quả khó lường và không có
khả năng khắc phục.
Hội thảo cũng thống nhất kiến nghị cần xem xét lại tính pháp lý của 2 dự án thủy điện, rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai. Cần đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể có cơ sở khoa học do một đơn vị tư vấn uy tín thực hiện độc lập, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế. Tránh tình trạng các báo cáo ĐTM thường thiếu khách quan do được thực hiện bởi kinh phí từ chính chủ đầu tư dự án.
HẢI THÚY
|
Trần Lâm Khê
ReplyDelete17/12/2012 08:11
Một DA của tập đòan tư nhân mà được nhiều cơ quan Nhà nước ưu ái là chuyện bình thường. Rồi đây, người ta có thể bất chấp tất cả miễn một nhóm nhỏ vơ vét lợi ích. Rất cảm động và trân trọng nhóm Yêu quý và Bảo vệ Cát tiên do Th.s Nguyễn Huỳnh Thuật (dù gắn bó 12 năm với VQG Cát Tiên bị ép thôi việc do phanh phui âm mưu toan tính xâm hại Cát Tiên) với các tấm lòng thiện nguyện đã trưng bày rất nhiều ảnh đẹp về Cát Tiên, tặng quà là lịch; khăn thổ cẩm; áo thun cho đại biểu Hội nghị và Du khách tham quan khu du lịch Bình Quới 2 sáng hôm qua. Một du khách từ Hà Nội rất cảm kích đã mua ủng hộ Nhóm SCT một bức ảnh đang trưng bày tự trả giá 3 triệu đồng. Một thành viên nhóm SCT cho biết: Hai cái ĐTM về thủy điện ĐN6 và 6A rõ ràng lách luật và phớt lờ Quốc hội cùng các cam kết quốc tế nhưng không cố cũng không thể sửa chữa dù lần thứ 4 này có tăng lên hơn 1.000 trang ( từ trên 200 trang, lần hai hơn 600 trang; lần ba hơn 900 trang,Bộ TN&MT mới họp kỹ thuật xem xét cho sửa tiếp...). Bạn này thách thức HĐ thẩm định mở của bộ hãy công khai ĐTM cho các nhà khoa học và dân các tỉnh bị ảnh hưởng của 2 DA được biết. Riêng chuyện chiếm rừng của tuyến đường dây tải điện gần 20 km và hơn 40 km 2 tuyến đường nối từ QL 14 vào thi công đã bị bỏ qua. Trong DA có 04 mỏ đất và 01 mỏ đá XD công suất hàng triệu mét khối sử dụng tới hàng ngàn tấn thuốc nổ ( 0,4 kg thuốc cho 01 mét khối đá) đã cố tình quên...hoặc chẳng biết gì, vậy sửa ĐTM làm sao được! Thành viên HĐ thẩm định nào thông qua hãy công khai ý kiến ( như T.S ở Bộ VH-TT-DL) và danh tính để 1-2 năm sau khi triển khai DA khắc vào bia đá. Cũng mừng là các nhà khoa học chân chính và cộng đồng bước đầu đã khiến các toan tính phải tính toán tiếp.
Theo báo Tienphong,
ReplyDeletekhông thuê người giỏi
> Nghi ngại đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A
> Đừng sợ thủy điện
TP - Có thực hay không các chủ dự án đầu tư ở Việt Nam chỉ thích thuê các tư vấn làm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không cần phải giỏi chuyên môn?
Tư vấn đầu tiên được chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A (ĐN 6&6A)
thuê làm báo cáo ĐTM là Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam. Tư vấn này bị công luận vạch đuôi thực hiện công nghệ sao chép. Tư vấn thứ hai được thế chỗ là Viện Môi trường&Tài nguyên (MT&TN). Tư vấn này cũng bị chỉ trích khi đưa ra hàng loạt nhận định ấu trĩ.
Hai tư vấn này được những người trong nghề khẳng định đều không sở hữu đội ngũ chuyên gia giỏi. Chủ đầu tư liệu có biết?
Nguyên nhân sâu xa, theo TS Nguyễn Khắc Kinh - một trong những quan chức thâm niên nhất ở VN về ĐTM, hóa ra lại nằm ở luật. “Công tác ĐTM ở VN đang được làm theo kiểu vuốt đuôi, không mấy tác dụng”, TS Kinh nói.
Tác dụng lớn nhất của ĐTM là để lựa chọn địa điểm thích hợp cho dự án. “Tác dụng này chiếm không dưới 80% giá trị của ĐTM”, TS Kinh nói tiếp. Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, thông thường, chủ đầu tư phải làm ĐTM trước khi chọn địa điểm.
Làm như thế là để xem địa điểm mình chọn có phù hợp không, có gây các tác động này nọ mà không thể khắc phục nổi không.
Nếu ĐTM chứng minh dự án không phù hợp, không thể khắc phục được các tác động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bác địa điểm ấy. Quy trình ấy đã thành thông lệ trên thế giới.
Nhưng không hiểu sao chúng ta lại ra hai văn bản kỳ lạ, một cái năm 2008 và một năm 2011, khiến quy trình trên bị đảo lộn.
Theo Nghị định Số 21/2008/NĐ-CP và Nghị định Số 29/2011/NĐ-CP, hầu hết các dự án chỉ phải trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM sau khi địa điểm của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.
Việc này vô hình trung đã vô hiệu hóa hầu hết tác dụng của ĐTM, trái với tinh thần của Luật BVMT, và trái với cả thông lệ quốc tế.
Dự án thủy điện ĐN 6&6A được làm theo đúng quy trình ngược ấy. Lẽ ra phải làm ĐTM trước xem 327 ha ở VQG Cát Tiên và 137 ha vùng lõi có phù hợp cho thủy điện hay không rồi hẵng đưa vào quy hoạch.
Đằng này, địa điểm đã được chấm vào sơ đồ quy hoạch điện của Bộ Công Thương, đã được Bộ Nông nghiệp dọn chỗ bằng loạt văn bản kỳ lạ. Sau các công đoạn ấy mới cho làm ĐTM. Để làm gì nữa hay chỉ để làm vì?
Vì lẽ đó, sau khi có địa điểm, chủ đầu tư hầu như không mấy quan tâm đến chất lượng ĐTM. Cái họ quan tâm hàng đầu là tư vấn được thuê quan hệ thế nào với các cơ quan thẩm quyền kia có đủ sức “bênh” cho cái ĐTM mang tính hình thức vượt qua các cửa ải để khởi động dự án.
Chi Giao
Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Sẽ tạo tiền lệ xấu
ReplyDelete17/12/2012 3:16
Ngày 16.12, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức hội thảo thường niên với chuyên đề “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”.
Các đại biểu đều cho rằng, nếu 2 dự án thủy điện này được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác....
Phản biện lại lập luận “khi thủy điện đi vào hoạt động thì mực nước sẽ dâng lên cao làm ngập khu vực rừng trước đây không ngập. Cây cối trong những vùng lân cận của vùng ngập sẽ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trước đây”, TS Tuấn khẳng định: “Ở các khu rừng không ngập nước, khi chuyển sang ngập nước rễ cây sẽ bị ngộp vì thiếu thoáng khí và chết nhiều hơn. Bài học đã thấy trước mắt là ở thủy điện Nam Ngum (Lào), diện tích rừng xung quanh hồ bị mất thực tế cao hơn 20 - 30% so với phần diện tích rừng bị ngập nước. Còn ở thủy điện Kulakhani (Nepal), con số này lên đến 60 - 70%”.
Trong khi đó các cam kết trồng lại rừng từ trước đến nay chưa có dự án thủy điện nào thực hiện đúng vì không có đất. Theo báo cáo của FAO (Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc) năm 2005, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Đó là chưa kể, theo quy luật tự nhiên cũng không thể đốn rừng nơi này rồi trồng bù lại ở nơi khác bởi sẽ làm thay đổi tiểu khí hậu vùng.
Điều gây chú ý mạnh nhất với các đại biểu là khi TS Tuấn cho biết theo báo cáo ĐTM, 1 m2 đất rừng chỉ có giá 230 - 320 đồng. Nên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ chỉ vào khoảng 460 triệu đồng/97 ha ở ĐN 6 và 558,08 triệu đồng/175 ha ở ĐN 6A.
Thiệt hại lớn
PSG-TS Lê Tự Trình, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, phân tích, rừng ở Đông Nam bộ là rừng mang tính ĐDSH cao nhất Việt Nam, hơn cả ở Tây nguyên. Nếu dự án ĐN 6 và 6A được thông qua thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác, cho việc phá rừng tràn lan. Dự án hồ Trị An trước kia là một minh chứng. Khi làm hồ này phải phá 210 km2 rừng nhưng đến bây giờ thì người ta đã phá tới cả ngàn km2.
Đại diện VQG Cát Tiên, TS Phạm Hữu Khánh, nói: Đây là “điểm nóng” về tài nguyên ĐDSH có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu đồng thời còn là 1 trong 3 vùng chim đặc hữu của Việt Nam, khu di tích quốc gia đặc biệt. Nếu 2 dự án thủy điện này được tiếp tục ước tính sẽ có khoảng 850 tấn thuốc nổ sẽ được sử dụng trong thời gian xây dựng kéo dài 3 năm, tương đương với 800 - 900 kg mỗi ngày. Điều này sẽ gây chấn động đến sinh cảnh các loài động vật hoang dã cộng với ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, khói bụi...
Ở góc độ văn hóa, ông Lê Trí Dũng, đại diện cho Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, nói: Sông Đồng Nai được tôn vinh là “dòng sông văn hóa”. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chứng minh về sự tồn tại của “nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai”. Những giá trị về văn hóa khảo cổ học khu vực Cát Tiên - sông Đồng Nai là rất lớn, phong phú và đa dạng, một phần rất nhỏ đã được lộ diện trong quá trình nghiên cứu, phần lớn còn tiềm ẩn trong lòng đất, dưới lòng sông. Việc xây dựng thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến các di chỉ khảo cổ học chưa được khai quật.
Hội thảo đã đi đến thống nhất cần xem xét lại tính pháp lý của hai dự án thủy điện ĐN 6 và 6A, rà soát đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai và cần đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể có cơ sở khoa học do một đơn vị tư vấn uy tín độc lập, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế.
Chí Nhân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121217/thuy-dien-dong-nai-6-va-6a-se-tao-tien-le-xau.aspx
Tương lai gánh hậu quả...
Dày đặc thủy điện trên sông...
Mai Hà http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121203/thuy-dien-viet-nam-di-nguoc-chieu-the-gioi.aspx