Monday, September 17, 2012

Bảo vệ môi trường dưới góc nhìn của Đạo Phật

Tham vấn của một học trò với thầy-sư ông-thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trò T.T.Đ.T hỏi:
Thưa thầy, Vườn Quốc gia Cát Tiên (Cát Tiên) một vườn quốc gia lớn của Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia, là di tích đặc biệt quốc gia, Cát Tiên đã được thế giới công nhận các danh hiệu: Khu Ramsar (khu đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới), Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đang hoàn thiện hồ sơ di chỉ Óc Eo và quần thể văn hóa vật thể xung quanh để trình UNESCO xét cộng nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Cát Tiên đang được đoàn chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) có chuyến khảo sát hiện trường phục vụ cho việc công nhận Cát Tiên là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ ngày 17.9.2012.  
Kính xin Sư Ông soi sáng giúp cho con thêm những phương pháp, những kinh nghiệm qua tuệ gíác của đạo Bụt để đưa những tuệ giác của đạo Bụt về bảo vệ  môi trường nhất là bảo vệ Cát Tiên. Con cảm ơn Sư Ông nhiều.
Một buổi sáng nhiều mây ở Bàu Sấu - Cát Tiên. A cloudy morning in Bau Sau. Ảnh: Huỳnh Phúc Hưng. Nguồn: http://protectedplanet.net/sites/303072 

Sư ông, thiền sư Nhất Hạnh trả lời:

Đây là một câu hỏi hay và có tính thời sự, thực tế.

Có một mối liên hệ mật thiết giữa con người và những loài cầm thú, cỏ cây và đất đá. Con người sinh ra từ các loài khác. Con người xuất hiện rất trễ trên trái đất. Trước hết là loài thảo mộc, đến các loài động vật khác mới đến loài người xuất hiện. Cái gốc của con người nằm ở các loài khoáng vật, các loài thực vật và các loài động vật khác. Nếu mình không bảo hộ môi trường, không bảo hộ các loài động vật, không bảo hộ các loài thực vật, mình tàn phá làm cho các động vật bị diệt chủng; mình phá rừng, hủy diệt cây cối, sử dụng toàn xi măng, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và cả đất đá… tức là mình đã làm hư nền tảng sự sống của chính mình. Nếu vậy tương lai mình cũng bị tiêu diệt. Bảo hộ môi trường tức là bảo vệ con người. Đó là cái thấy rất sâu của đạo Bụt.

Trong kinh Kim Cương, đức Thế tôn có nói có bốn ý niệm mà mình phải chuyển hóa. Đó là ý niệm về ngã, về con người, về chúng sanh và về thọ mạng.

Ý niệm về ngã là một ý niệm nguy hiểm, nó chia cách giữa mình với người khác. Ví dụ như mình với cha mình thật ra không phải là hai người khác nhau. Mình là sự tiếp nối của cha mình. Trong mình có cha mình. Nếu mình nghĩ mình là một người khác, cha mình là một người khác, hoàn toàn không đúng. Nó là sự tiếp nối lẫn nhau như cây bắp tiếp nối hạt bắp. Vì vậy cần lấy ý niệm ngã ra.

Ý niệm thứ hai, ý niệm nhân cũng vậy. Con người được làm bằng những yếu tố không phải con người. Đó là các loài động vật, thực vật và khoáng vật. Con người sẽ không sống được nếu thiếu các loài đó. Vì vậy con người khôn khéo thì phải bảo hộ các loài động vật, thực vật, khoáng vật. Kinh Kim Cương là một văn bản xưa nhất của thế giới dạy về bảo vệ môi trường. Người Việt mình ý thức bảo vệ sinh môi còn rất thấp. Trong các chuyến về Việt Nam, đi nhiều nơi tôi để ý thấy bao ny lông vứt đầy cả. Tôi cũng thấy mình đã khai thác rừng, chặt đốn cây quá nhiều. Mình đã làm ô nhiễm sông hồ, tàn phá rừng và hủy diệt sinh môi,… chẳng khác nào mình đang tự hủy hoại. Con người tự tử một cách từ từ khi làm như vậy. Nếu các loài bị diệt chủng, sông hồ bị ô nhiễm, cây cối bị chặt phá thì con người không tồn tại lâu được. Bảo hộ sinh môi, bảo vệ môi trường là công việc của tất cả mọi người. Trong gia đình, cha mẹ phải nhắc nhủ con cái về bảo vệ sinh môi, trường học, thầy cô giáo phải nói chuyện với học trò. Trong thôn làng, khu phố phải cần những buổi họp, buổi tọa đàm để giáo dục về sinh môi.

Các thành phố ở Đức rất sạch. Họ đã bắt đầu giảm sử dụng bao ny-lông. Tại vì bao ny lông chuyển hóa trở lại thành chất hữu cơ rất lâu. Có khi cần cả trăm năm. Đi chợ họ xách một túi vải. Vì vậy nếu mình dùng chén dĩa bằng plastic để ăn cơm, không tốt. Dùng chén bát bằng đất sành, ăn xong lại rửa thì tốt hơn. Tôi thấy ý thức về sinh môi của người Việt mình còn thấp. Tôi kêu gọi các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các vị trong Ủy ban nhân dân, các vị trong Quốc hội, các vị lãnh đạo Nhà nước,.. mỗi người phải đóng góp phần mình để nâng cao ý thức về sinh môi.

Chúng ta đang cố gắng gìn giữ một số “Vườn quốc gia và khu bảo tồn“ như rừng Cúc Phương, rừng Cát Tiên, rừng Tam Đảo, rừng Ba Vì để bảo tồn sinh môi. Điều đó rất tốt. Nếu có những dự án hủy diệt sinh môi như xây dựng thủy điện, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không khách quan và khoa học, mở xa lộ,... ngang qua những khu rừng như vậy, chúng ta phải chống lại. Chúng ta phải tranh đấu để bảo vệ sinh môi.

Ý thức rõ vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và thảm họa diệt vong chung đang đến gần, vì vậy Rừng và Năng lượng được thế giới quan tâm đặc biệt, đó là lý do tại sao Liên Hợp Quốc đã chính thức tuyên bố năm 2011 là Năm Quốc tế về rừng và năm nay 2012 là Năm Quốc tế về Năng lượng Bền vững để nâng cao nhận thức về bảo tồn cũng như tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, thay thế năng lượng cũ hủy diệt môi trường để sử dụng năng lượng xanh-sạch và bền vững (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học,…) mà nay người ta gọi là kinh tế xanh (green economy) mà chúng ta hay gọi là kinh tế chánh niệm (mindful economy) vì lợi ích lâu dài của các thế con cháu chúng ta và cứu lấy hành tinh xanh mỏng manh, cứu lấy Đất Mẹ. Điều này cũng được các lãnh đạo cao cấp các quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen nhấn mạnh và cam kết thực hiện, thầy cũng đã đề gửi thông điệp đến hội nghị này theo đề nghị của chủ tịch hội nghị. Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ Nhật Bản cam kết với nhân dân trong nước và thế giới là sẽ nói không với điện hạt nhân từ nay. Họ đã tỉnh thức trước thảm họa diệt vong chung, trong đó có chính người Nhật, nước Nhật của họ. 

Ở các nước như Pháp, Đức, Anh, Nhật người ta bảo hộ sinh môi kỹ lắm. Họ có những hội bảo hộ thú vật, vì thú vật bị nhiều khổ đau. Thú vật bị giết, bị đem làm đồ thí nghiệm. Ở Anh có Mặt trận Giải phóng Thú vật “Animal Liberate Front“ và mình nghe tiếng đau thương của thú vật. Đất nước mình có gốc gác Phật giáo. Ngày xưa tổ tiên mình xây dựng trên nền tảng từ bi của đạo Phật mà bây giờ mình không làm được như các nước Âu châu, thì rất dở. Người Phật tử cần đóng góp thật nhiều trong việc giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi sinh và tranh đấu để bảo vệ môi trường. Chúng ta cần liên kết lại để chống lại các dự án xâm hại môi trường, cứu lấy Mẹ Đất, cứu lấy hành tinh xanh, cứu lấy ngôi nhà xanh chung của tất cả chúng ta.

Cám ơn con. 


Khu Nam Cát Tiên. Ảnh: hovietphu http://www.panoramio.com/photo/26329259

Nguồn: 1. Facebook Tuệ Cát:  http://www.facebook.com/TueCat/posts/505422056152879 
2. 

Tin Môi Trường – Tin nhanh về môi trường Việt Nam (Thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)

  http://www.tinmoitruong.vn/cau-noi/bao-ve-moi-truong-duoi-goc-nhin-cua-dao-phat_73_16978_1.html

1 comment:

  1. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời trên tờ Guardian

    GNO - Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng chúng ta phải nhận ra sự gắn kết giữa Trái đất và bản thân mình, và rằng chúng ta phải yêu thương Trái đất để chữa lành cho hành tinh này.

    Biên tập viên Jo Confino của tờ Guardian đã có cuộc phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai (Pháp). Confino viết: Thầy Thích Nhất Hạnh đã nhận thấy sự thiếu gắn kết trong cuộc sống của con người là nguyên nhân gây nên thói quen hưởng thụ của chúng ta và điều quan trọng là chúng ta đã nhận ra và phản ứng lại với những sức ép mà chúng ta đã áp đặt lên trên Trái đất khi nền văn minh này còn tồn tại.

    Thầy cho rằng việc nhận thức môi trường sống này là tách biệt so với chính chúng ta là một vấn đề nghiêm trọng, việc thay đổi chỉ có thể xảy ra khi chúng ta vượt ra ngoài tư duy nhị nguyên của chính mình.

    "Bạn luôn mang theo Mẹ Trái đất bên trong mình" - Thầy nói. "Bà không ở bên ngoài bạn. Mẹ Trái đất không chỉ là môi trường của bạn”.

    "Bằng tuệ giác, có thể có được mối liên lạc thực sự với Trái đất, đó là hình thức cao nhất của cầu nguyện. Trong mối quan hệ này, bạn sẽ có đủ tình yêu, sức mạnh và sự thức tỉnh để thay đổi cuộc đời của bạn. [...]

    "Sợ hãi, thù ghét, chia tách và giận dữ xảy đến từ quan điểm sai lầm cho rằng bạn và Trái đất là hai thực thể riêng biệt hay Trái đất chỉ là môi trường của bạn. Bạn là trung tâm và bạn muốn làm một cái gì đó với Trái đất để tồn tại. Đó là một nhận thức nhị nguyên.

    "Vì vậy, hãy hít thở và nhận thức về cơ thể bạn, hãy nhìn sâu vào nó và nhận ra rằng bạn là Trái đất và ý thức của bạn cũng là ý thức của Trái đất. Không chặt cây, không gây ô nhiễm nước vẫn là chưa đủ".

    Thầy nói sự thiếu gắn kết này cũng là nguyên nhân làm cho chúng ta bệnh:

    "Nhiều người bị khổ đau nhưng họ lại không biết điều đó" - Thầy nói. "Họ cố gắng che đậy sự đau khổ bằng cách làm cho mình bận rộn. Ngày nay nhiều người bị bệnh bởi vì họ tự tách rời khỏi Mẹ Trái đất.

    "Việc thực hành chánh niệm giúp chúng ta chạm được vào Mẹ Trái đất bên trong cơ thể mình và việc thực hành này có thể giúp chữa lành bệnh của con người. Vì vậy, việc chữa bệnh của con người nên đi cùng với việc chữa bệnh của Trái đất và đây là tuệ giác mà bất cứ ai cũng có thể thực hành.

    "Loại giác ngộ này rất quan trọng cho một sự thức tỉnh chung. Trong Phật giáo chúng ta nói về thiền định như một hành động thức tỉnh, để nhận thức một thực tế rằng Trái đất và muôn loài đang tồn tại trong nguy hiểm".

    Gắn cho thiên nhiên một bảng giá nào đó cũng không đủ, hay nói đúng hơn, tình yêu là trung tâm của sự thay đổi.

    "Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn của chúng ta".

    Thay vì đặt bảng giá cho những cánh rừng hay các rạn san hô, Thầy nói sự thay đổi sẽ xảy ra ở cấp độ cơ bản chỉ khi chúng ta quay lại và yêu thương hành tinh này: "Trái đất không phải là những khái niệm vật chất hay tinh thần, đó chỉ là những ý tưởng, là hai mặt của cùng một thực tại. Cây thông không chỉ là vật chất vì nó sở hữu một cảm giác biết. Hạt bụi không chỉ là vật chất vì mỗi nguyên tử cấu thành hạt bụi đều có tính thông minh và là một thực tại đang sống và vận động.

    "Khi chúng ta nhận ra được những đức tính, tài năng và vẻ đẹp của Mẹ Trái đất, một cái gì đó sẽ được sinh ra trong chúng ta, một mối gắn kết nào đó, một tình yêu sẽ được sinh ra.

    "Chúng ta muốn được gắn kết. Đó là ý nghĩa của tình yêu, để trở thành một mối. Khi bạn yêu một ai đó bạn sẽ nói rằng tôi cần bạn, tôi muốn ở bên bạn. Nếu bạn làm bất cứ điều gì vì lợi ích của Trái đất thì Trái đất cũng sẽ làm bất cứ điều gì vì lợi ích của bạn”.

    Văn Công Hưng (Theo Common Dreams)
    http://www.giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=164613

    ReplyDelete