Saturday, September 1, 2012

THƯ NGỎ SỐ 001/2012/CATTIEN-SAVING - GỬI LÃNH ĐẠO VÀ CÁN BỘ NHÂN VIÊN VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN


THƯ NGỎ SỐ 01

Ngày 30/08/2012
Số: 001/2012/Cattien-Saving

Kính thưa Qúy Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên
Kính thưa Qúy Anh Chị em thuộc các Phòng, Ban, Hạt, Trung tâm của Vườn

Trước hết cho phép chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ và tri ân công sức của quý Lãnh đạo và Cán bộ Công nhân viên Vườn luôn ngày đêm chung sức duy trì, bảo vệ, bảo tồn và phát triển Rừng Quốc gia Cát Tiên.

Chúng tôi mong mỏi được chung tay góp phần nhỏ bé, gián tiếp vào công cuộc cao quý ấy.
Chúng tôi chỉ có thể làm theo sức của mình, điều kiện cho phép của mình. Đó là luôn thông tin đầy đủ, kịp thời, để mọi giới mọi ngành mọi người trong và ngoài nước biết thực trạng của Vườn, những khó khăn và thuận lợi, hầu liên tục bổ khuyết, nâng cao chất lượng công việc và công cuộc bảo tồn phát triển Rừng. Sự thức tỉnh, tỉnh thức của mỗi người dân Việt ở bất cứ đâu, là cần thiết cho công cuộc Bảo tồn Rừng đầy vất vả dài lâu mà cũng đầy vinh quang này.

Để đạt được điều đó, thì sự truyền thông, thông hiểu, thông cảm chia sẻ lẫn nhau, là rất cần thiết. Vì vậy, xin cho phép chúng tôi thi thoảng gửi đến Qúy Vườn những bức thư, thông điệp ngắn, mỗi khi chúng tôi có được thông tin gì từ các khía cạnh khác nhau và từ các nguồn khác nhau, để quý Vườn kịp xử lý, hoàn hảo hóa công việc của mình. Được như thế, quý vị cũng Hạnh phúc, mà chúng tôi và hơn 90 triệu con dân Việt khắp các nẻo xứ cũng Hạnh phúc.

Từ suy nghĩ chung đó, hôm nay chúng tôi xin kính chuyển đến Qúy Vườn một thông tin ngắn nhưng quan trọng, mà chúng tôi vừa nhận được từ một kỹ sư đã lăn lộn trong Rừng Cát Tiên hàng tháng trời, phục vụ khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A có nguy cơ lớn làm tổn hại Rừng Cát Tiên, mà lâu nay và hiện nay có rất nhiều tranh cãi.

Xin trích như sau:

Thú thực với quý vị, trước khi đặt chân đến đây, tôi cứ nghĩ rằng đây là một khu rừng nguyên sinh được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng thật tiếc, thực tế hoàn toàn không như vậy. Hơn 1 tháng chúng tôi ở đây, chưa hề có một đơn vị nào đến kiểm tra xem chúng tôi làm ăn ra sao, có bảo vệ rừng, và tránh gây ảnh hưởng tới các động vật quý hiếm không. Mọi sự quản lý, chỉ là trên giấy tờ. Và cũng xin thưa rằng, người dân khá tự do khi đi vào khu vực này mà không cần xin phép ai cả. Chuyện mang thú (nếu có) ra khỏi rừng là hoàn toàn trong tầm tay nếu họ muốn. Hiện nay, người dân sinh sống (định cư) chỉ cách vị trí đập thủy điện Đồng Nai 6 & 6A dự kiến khoảng 2-3km, thật quá khó để họ không "tác động" đến môi trường nơi này.
Vấn đề ảnh hưởng xấu: Câu chuyện quản lý tồi
Chắc chắn quý vị sẽ rất dễ để hình dung, rằng, khi một đại công trình thủy điện Đồng Nai 6 & 6A được thi công, có hàng trăm con người làm việc tại đó trong nhiều năm, kéo theo đó là các dịch vụ ăn theo. Và để thi công, sẽ có nhiều km đường xuyên rừng được mở ra, và đó, đó chính là  điều kiện lý tưởng cho lâm tặc, thú tặc hoành hành, không chỉ trong thời điểm thi công công trình, mà sẽ kéo dài trong nhiều năm sau đó. Chính điều này mới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của VQG. Nhưng rất tiếc, những điều này thường không được đưa vào Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐMT) của Chủ đầu tư Đức Long Gia Lai, hoặc nếu có, cũng chỉ là cảnh báo, không có định lượng.

Nhưng thực ra, tất cả những điều này đều có thể kiểm soát, nếu lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng đủ mạnh, và trong sạch (điều này đã thực có chưa?). Quý vị biết đấy, hiện nay, chưa hề có dự án nào trong hai dự án trên được triển khai, mà tê giác (có thể là con cuối cùng) ở trong vùng lõi vẫn bị bắn hạ đó thôi. Chúng ta có thể làm gì nếu những kẻ vô lương vẫn cố tình phá hoại đất nước này? …


Chúng tôi tha thiết khẩn cầu quý Ban Giám đốc và bộ phận Thanh tra liên quan cho kiểm tra, rà soát quy trình làm việc, nhanh chóng xác minh sự thật, phát hiện khâu lỗi, lỗ hổng, để tức thời khắc phục khâu yếu và nâng cao năng lực bảo vệ bảo tồn phát triển Rừng. Chúng tôi nghĩ không cần thiết phải chỉ trích hay phê bình cá nhân nào, mà điều quan trọng là trí tuệ tập thể cùng đồng lòng nhất trí về phương cách, phương pháp cải tiến công tác liên tục, để tuân thủ và đạt được các mục tiêu tôn chỉ của Vườn và của Nhà nước.

Cuối Thư ngỏ số 01 này, chúng tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành tới quý Lãnh đạo và Cán bộ Nhân viên Vườn đã bỏ thời gian quý báu đọc Thư này, và suy nghĩ-suy tư, và có hành động thích hợp, nhất quán.

Chúng tôi mong mỏi nhận được hồi âm của quý Lãnh đạo và Cán bộ Nhân viên Vườn vào lúc thuận tiện nhất với quý vị.

Trân trọng kính thư.


Nhóm Yêu quý Bảo vệ Rừng Cát Tiên
(Love and Save Cattien National Park)
Website:  http://www.cuulaycattien.com/    (đang xây dựng)




Danh sách người nhận thư:

Theo Danh bạ điện thoại cá nhân và các bộ phận trực thuộc, lấy từ website của quý Vườn:




7 comments:

  1. Hồi âm của anh Trần Văn Thành, nguyên Giám đốc Vườn Cát Tiên, hiện là GĐ VQG Yok Đôn:

    On Sat, Sep 1, 2012 at 8:38 AM, thanh tran van wrote:

    Thân gửi các bạn

    Qua thư này tôi nhận thấy có vấn đề chưa hiểu đầy đủ về công việc bảo vệ rừng của những cán bộ kiểm lâm Vườn,
    Có thể nói có lúc, có nơi chúng ta không thể kiểm soát được 100%
    Nhưng nói 1 tháng mà không có ai đến vùng đó kiểm tra thì phải xem lại trách nhiệm của đơn vị đang được phân công chịu trách nhiệm quản lý khu rừng đó.

    Đồng thời hiện nay đa số các lãnh đạo đơn vị thường chủ quan, ít kiểm tra đánh giá đầy đủ các công việc của Trạm, Đội ở xa trung tâm, cho nên chưa kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót của nhân viên trong công tác bảo vệ rừng, cũng sẽ dẫn đến tình chủ quan, lười nhác, né tránh của nhân viên

    Việc Tê giác hoặc voi hoặc nhiều loại thú khác bị giết hại, hay chết tự nhiên… hoặc tài nguyên rừng Việt Nam đang bị hủy hoại liên tục, ngày càng trâm trọng như hiện nay, thì có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, xét từng trường hợp cụ thể mà chúng ta quy trách nhiệm. Nhưng có thể nói trách nhiệm chính hiện nay theo tôi là Chính phủ chưa thực sự có những Chính sách, quyết sách quyết liệt, hiệu quả để bảo vệ rừng. Việc này không phải một mình Lực lượng Kiểm lâm hoặc lực lượng nào khác, mà phải xuất phát từ chính sách, quyết đinh của Chính phủ. Còn lại là sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội, trong đó lực lượng kiểm lâm có thể là nòng cốt.

    Vài ý kiến để các bạn góp ý và chia sẻ.

    Cảm ơn sự khuyến cáo, góp ý của Nhóm Cứu lấy Cát Tiên.

    Mong có thêm nhiều người như các bạn.

    Mong rằng Cát Tiên và rừng của Việt Nam, rừng trên toàn Quả đất này ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt.

    Thành Yok Đôn National Park

    ReplyDelete
  2. Thư của TS. Nguyễn Huỳnh Thuật hồi đáp cho thư của anh Trần Văn Thành:

    "Kính chào anh Thành, anh Trần Văn Mùi (Trưởng ban xd noi dung ho so di san Cat Tien, phó ban thường trực ban quản lý khu dữ trữ sinh quyẻn Đòng Nai, nguyen giam doc VQG CT) cùng quý ban giám đốc, quý đảng ủy, quý lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các phòng ban cả nhà,

    Em cám ơn anh đã chia sẻ đìều này với nhóm cứu lấy Cát Tiên (SavingCatTienNationalPark). May quá, trân trọng quá hôm nay chúng ta có nhóm này để góp sức với chúng ta.

    Đièu anh Thành chia sẻ hom nay cũng đã được em kính báo cáo, chia sẻ từ khi được nhạn trách nhiẹm tu giam doc Thành giao cho viec bien soan ke hoach quan ly di san Cat Tien. Em xin copy lai thu cách đay hon mot nam, tuy nhien viec viec ban hanh, thuc thi chính sách, cơ che quản lý phức hợp cho di sản Cat Tien đen đau va như thé nào em và em chỉ là nhan vien nen khong được rõ.

    Kính chúc quý anh và quý lãnh đạo, cả nhà ngày lẽ quóc khánh vui vẻ, sức khỏe.

    Kính mong quý lãnh đạo, anh Mùi chia sẻ them thong tin cap nhat a.

    Kính thư,

    ---------- Forwarded message ----------
    From: Thuat Nguyen Huynh
    Date: 2011/4/22 (Fri, Apr 22, 2011 at 5:01PM)
    Subject: Re: V/v xây dựng kế hoạch quản lý Di sản Thiên nhiên Cát Tiên.
    To: anh Thanh Cattien Giam doc CTBR , Lan Phogiamdoc , Thanh truong phong TCHC Cattien Pham Ngoc , "

    Kính gửi anh Thành và quý anh,

    Sau khi đọc kỹ các tài liệu hướng dẫn và xem kỹ công văn cuối cùng của Ngài giám đốc trung di sản thế giới, công văn CLT/WHC/APA/09/73 ngày 02/3/2009 thông báo HỒ SƠ KHÔNG HOÀN CHỈNH. Góp ý của họ chính là cơ chế phối hợp và cam kết thực hiện trong quản lý di sản đa lĩnh vực như Cát Tiên (VQG, Ramsar, Sinh Quyển, Di sản,…). Cái họ cần nhất và thuyết phục họ nhất ở đây là Xây dựng và ban hành cơ chế quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đa bộ ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên-MT, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban nhân dân 3 tỉnh,…) đối với Cát Tiên. Chính phủ (quyết tâm/cam kết) xây dựng và ban hành nghị định đối với việc quản lý Di sản Cát Tiên nhằm bảo vệ được cảnh quan tự nhiên và văn hoá, sự đa dạng sinh học chung và bảo vệ được các giá trị nổi bật toàn cầu lâu dài cho các thế hệ mai sau.

    Với vai trò của mình kính mong anh tác động để sớm có văn bản chỉ đạo của chính phủ về việc này.

    Xin ý kiến chỉ đạo tiếp của anh và góp ý của quý anh.

    Em Thuật

    ReplyDelete

  3. 2012/9/1 binh tranvan

    ĐỂ RỘNG ĐƯỜNG DƯ LUẬN, CHÚNG TÔI XIN ĐĂNG NGUYÊN VĂN BỨC THƯ ĐIỆN TỬ CỦA THẠC SỸ TRẦN VĂN BÌNH, CHO THƯ CỦA ANH NGUYỄN ĐỨC DŨNG KỸ SƯ ĐỊA CHẤT CỦA CÔNG TY TƯ VẤN ĐIỆN 4 (PECC4): (Vì thư dài, chúng tôi đăng làm hai (02) Comment)

    "Kính gửi anh Dũng

    Trước hết tôi xin cám ơn về những comment của anh

    Là những người đang trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ VQG Cát Tiên tại, chúng tôi thể hiện rõ quan điểm là phản đối hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A. Tuy nhiên, chúng đôi vẫn phải thường xuyên hợp tác với rất nhiều “Nhóm tư vấn” phản đối có, ủng hộ có đến liên hệ để thực hiện công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường cho hai dự án này, nhưng chưa bao giờ làm việc với đơn vị PECC4. Tôi thiết nghĩ việc có nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề là điều tốt, công trình này dù được thực hiện, hay không thì nó nên nhận được đồng thuận cao của công chúng, sau này không phải làm cái việc gọi là phải sửa sai những việc đã rồi.

    Vườn Quốc gia Cát Tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 30.000 ha phân cho 30 cán bộ Kiểm lâm trực tiếp quản lý, trung bình 1.000 ha/ 1 đầu người, hàng ngày 01 Kiểm lâm viên phải thực hiện việc ngăn cản các hành vi xâm phạm bất hợp pháp vào rừng trên diện tích 1.000 ha. Liên quan đến bài viết của anh, tôi có một số chia sẻ sau:

    - Nhận thức về khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt là do Luật pháp quy định (như luật giao thông, mỗi người tham gia GT phải tự chấp hành chứ Ko phải CA giao thông đứng dang tay ra mà coi) khu này cần được bảo vệ nghiêm ngặt, mọi Người, mọi Tổ chức phải chấp hành, ra vào phải có phép tắc chứ không phải tự do vô tổ chức. Anh thấy đấy, ngoài PECC4 còn bao nhiêu đối tượng khác nhận thức co, không có nhận thức cũng có, hàng ngày vẫn bất chấp quy định của luật pháp, xâm nhập vào rừng để làm những việc có mục đích khác nhau.

    - Việc thành lập xã người dân tộc bản địa (xã Đồng Nai Thượng), ngay tại trung tâm khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên là thể hiện tính nhân văn cảo Đảng và Nhà nước để phù hợp với phong tục tập quán của họ. Mô hình này cho đến nay mới chỉ có ở VQG Cát Tiên. Họ là những người tốt, tuy nhiên lòng tốt của họ đã bị nhiều kẻ cơ hội lợi dụng. Tại bữa ăn trưa ngày 24/8/2012 tại nhà hàng Phi Vân TT Cát Tiên, món đặc sản thú rừng được các đôi đũa hoạt động hết khả năng từ các vị mà anh Pháp Chủ tịch tập đoàn ĐLGL đã gọi là các “Thầy” đến để đánh giá tác động môi trường, đang gián tiếp đưa những người nông dân kia “mang thú (nếu có) ra khỏi rừng là hoàn toàn trong tầm tay nếu họ muốn” đó.

    ReplyDelete
  4. (Phần 2 - tiếp theo và hết - thư của anh Trần Văn Bình):

    - Tôi không hiểu “hiểu biết” của anh về khái niệm rừng nghèo và rất nghèo về khía cạnh nào, tuy nhiên trong bảo tồn tài nguyên Đa dạng sinh học, chủ thuyết “con Kiến ăn con Cá và ngược lại con Cá ăn con Kiến” rất được đề cao. Tôi cho anh một ví dụ cụ thể: con Hổ, con Báo, môi trường sống của nó là các khu rừng già (có nhiều cây gỗ lớn, theo anh chắc đây là rừng giàu?), tuy nhiên thức ăn của nó lại là những con thú ăn cỏ như con Nai, con Hoãng…thức ăn của những con này lại là (những đồng cỏ, chắc đây là rừng nghèo hoặc rất nghèo, theo anh?), ngay dưới chân anh đi chỗ rừng mà mọi người gọi là chỉ có mấy cây Lồ ô thồi à đang! có những cây những loài thực vật mà cho đến nay, ở Việt Nam còn nhiều người chưa biết nó là gì? hoa của nó thì đẹp lắm. Nếu được phép, file đính kèm, tôi tặng anh một vài hình ảnh về loài đó nhé, và có dịp tôi dắt anh đến và chỉ cho anh xem ngay tại hiện trường!

    - Tôi đồng ý với anh, để có lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng đủ mạnh, và trong sạch (nhưng rất tiếc, đó là thứ xa xỉ), Tê giác và nhiều con thú khác … ở trong vùng lõi vẫn bị bắn hạ đó thôi Chúng ta có thể làm gì nếu những kẻ vô lương vẫn cố tình phá hoại đất nước này? Những “Kẻ” mà hàng ngày vẫn bất chấp quy định của Pháp luật, cứ tự ý tổ chức đi vào rừng, thịt thú rừng vẫn là thực đơn được ưa chuộng trên bàn nhậu.

    - Nếu so mức độ ảnh hưởng của các dự án này với dự án bauxite ở Tây Nguyên thì nó chỉ như con muỗi mà thôi. Về mặt chuyên môn, so sánh trên của anh không thể chấp nhận được. Tại văn bản số 45/TTg-KTN, ngày 31/8/2011, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận, nếu việc chuyển đổi diện tích đất rừng trên mà không ảnh hưởng đến tiêu chí, mục tiêu xác lập VQG Cát Tiên thì tiến hành thực hiện dự án, ngược lại thì dừng xây dựng dự án. Tập đoàn ĐLGL, người ta hiểu rất rõ điều này, bằng tâm huyết, họ bỏ tiền ra để thuê các “đơn vị tư vấn” thay vì có đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc thì một đơn vị tư vấn điện “X” trước đây, khi được báo chí phanh phui mới rõ sự thật là đi hiện trường được một tuần, bị lạc rừng mất 02 ngày, đi mất 01, về mất 01 ngày, còn lại ở rừng 2 ngày, sản phẩm là một báo cáo ĐTM cho công trình nhiều ngàn tỷ đồng, phát hiện ra sông Đồng Nai có loài mới (cây Dừa nước phân bố ở miền Tây). Lần này thì có một đoàn tư vấn (các Thầy đi khảo sát trộm) than ôi! Hơn một tháng nếm mật nằm gai tại rừng Cát Tiên.

    Theo tôi, đây là công trình lớn, cần phải tính toán kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc và đặc biệt là cần làm minh bạch, rộng đường cho dư luận xem xét, không việc gì phải dấu diếm, có được điều đó, tôi tin Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý, những người trực tiếp bảo vệ như chúng tôi, nhân dân cũng cảm thấy nhẹ nhõm trước khi quyết định là làm hay không làm.

    Trân trọng.

    MSc. Tran Van Binh (Mr)
    Forest Protection Department of CTNP
    Add: Tan Phu District- Dong Nai Province

    ReplyDelete
  5. Thư của TS. Thuật đã được trích đăng trên báo Người Lao Động, đã có mấy chục Comment, xin copy lại kẻo có ngày báo NLĐ phải xóa bài:

    http://nld.com.vn/20120903101111869p0c1002/hay-cuu-rung-cat-tien.htm


    • Lộc
    03/09/2012 22:48
    Hy vọng bác Trương Tấn Sang xem tài nguyên/tài sản quốc gia là hàng đầu. VN chỉ còn dăm ba món để tự hào thì xin bác hãy ra tay cứu giúp.

    • bùi minh sơn
    03/09/2012 22:55
    Một lá thư tâm huyết của TS Nguyễn Huỳnh Thuật, mong được Chủ tịch nước quan tâm

    • Trần Minh Nguyệt
    03/09/2012 22:56
    "Còn những nơi linh thiêng, nhạy cảm về hồn dân tộc, văn hóa và giá trị tâm linh - vô hình - phi vật thể như phức hợp ở VQG Cát Tiên thì mỗi khi đã bị mất đi thì sẽ không bao giờ có thể lấy lại được". Tôi đồng ý với TS Nguyên Huỳnh Thuật và xin cảm ơn ông đã nói thay tấm lòng của chúng tôi.

    • Nguyễn Thanh Bình
    03/09/2012 23:09
    Đất nước cần những người như TS Nguyễn Huỳnh Thuật. Trân trọng cảm ơn anh vì đã gửi bức tâm thư đến Chủ tịch nước. Hi vọng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có ngay những hành động cụ thể để chấm dứt tình trạng phá rừng, phá hoại tài nguyên đất nước của một số người theo đuổi lợi ích nhóm này.

    • Nam
    03/09/2012 23:13
    Môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Con người vì đồng tiền mà bất chấp tất cả, bài viết & ý của TS Huỳnh Thuật rất có ý nghĩa. Gần đây trên báo SGTT có phỏng vấn ông Giám Đốc Viện tài nguyên & môi trường (ĐH QG TPHCM). Có vẻ những người đang sống nhờ tiền của "môi trường" đang cổ súy để hủy hoại nó.

    • kinh
    04/09/2012 05:39
    Đất nước rất cần những nhà khoa học như TS Huỳnh Thuật lên tiếng thay cho nguyện vọng của hàng triệu người dân. Đề nghị UBTV Quốc hội có tác động theo hướng nguyện vọng của nhân dân.

    • Dũng
    04/09/2012 06:31
    Không biết vụ này có kết quả như thế nào nữa?

    • QUOC THINH
    04/09/2012 06:32
    NHƯ NHỮNG LẦN TRƯỚC TÔI KỊCH LIỆT PHẢN ĐỐI XÂY ĐẬP THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6-6A. Chúng ta có những gì quí báu do thiên nhiên ban tặng, tại sao tìm mọi cách để tiêu diệt chúng cho bằng được? Đừng gì một ít lợi mà hủy hoại môi trường xanh, sạch của nước ta nói riêng và thế giới nói chung. QUÍ VỊ có nghĩ mình đang đi ngược với lòng dân và chủ trương của chính phủ?

    • hoàng_ lâm
    04/09/2012 07:19
    VQG Nam Cát Tiên, đã gọi là rừng của quốc gia của nhân dân thì không một ai, một thế lực nào được phép xâm chiếm, hủy hoại rừng đặc dụng, di sản văn hóa thế giới. Mong sao nhà nước ra tay cứu rừng.

    • Quintus
    04/09/2012 07:46
    Dù có xây bao nhiêu đập thủy điện thì vẫn là tình trạng thiếu điện, giá điện tăng nhưng các bác ấy vẫn phải xây vì cố đấm ăn xôi mới có cơ hội "múc". Đây hoàn toàn không phải là lợi ích kinh tế cho quốc gia chi cả mà là lợi dụng cơ chế để tham nhũng cho các cá nhân.

    • Quan Tâm
    04/09/2012 07:48
    Miệng thì toàn nói là bảo vệ môi trường, kêu gọi hô hào này nọ mà tay thì đi chặt phá đã vậy còn hay đi chê nước này nước kia...

    • ndhai
    04/09/2012 07:50
    Tại sao qua bao nhiêu cái thuỷ điện mà mình không rút được kinh nghiệm. Thất vọng.

    • kyky
    04/09/2012 08:43
    Hy vọng

    • phu my
    04/09/2012 08:46
    Tôi là người công tác trong ngành điện, nhưng tôi cũng cực lực phản đối xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 - 6A xâm phạm đến VQG Cát Tiên. Mong những người có chức trách hãy có một cái tâm, đừng vì lợi ích trước mắt.

    ReplyDelete
  6. • hoantran
    04/09/2012 08:49
    Sự trả giá khi tàn phá tự nhiên sẽ được trả giá sớm thôi. Cái giá này quá đắt vì không chỉ ảnh hưởng tới một thế hệ. Chỉ biết khai thác thiên nhiên như bây giờ thì ngày đó đang rất gần rồi.

    • 04/09/2012 09:03
    Thiết nghĩ VN ta đã có rất nhiều đập thủy điện rồi, làm đập nhiều mà điện vẫn có giá cao. Sao không nghiên cứu tạo ra những nguồn năng lượng mới? Rừng là tài nguyên quốc gia, rất lâu và khó để cải tạo và bảo vệ được rừng. Vậy nên hãy bảo vệ rừng khi còn có thể, hãy để rừng cho thế hệ mai sau, cho con cháu chúng ta. Kinh tế có thể kiếm bằng cách này hay cách khác, còn rừng mất đi thì khó có thể phục hồi nguyên trạng, sẽ mất đi nhiều giá trị văn hóa xung quanh rừng. Mong Chủ tịch nước và Thủ tướng xem xét lại.

    • Giả chết bắt quạ
    04/09/2012 09:08
    Không nghĩ là những người lập kế hoạch xây dựng không biết gí tác hại của việc triệt hạ rừng Cát Tiên, nhưng vì lợi ích từ việc triệt hạ mang lại quá lớn nên vẫn cố làm bằng được.

    • nguyễn hoàng vũ
    04/09/2012 09:23
    Có thêm nhiều đập thủy điện, giá điện cũng tăng, than lỗ lã làm người dân cứ đè ra thêm chí phí khổ quá, không biết bao giờ hết khổ

    • NVG
    04/09/2012 10:20
    Bác Tiến Sỹ này không biết có nhầm không ???. Còn một con Tê Giác cuối cùng của Việt Nam tại rừng QG Nam cát tiên đã qua đời năm ngoái -> TÊ GIÁC VIỆT NAM ĐÃ TUYỆT CHỦNG ZỒIIII ...

    • utquan
    04/09/2012 10:25
    Dễ gì người ta đặt "lợi ích trong túi" lên trên lợi ích quốc gia.

    • VAN
    04/09/2012 10:30
    Hoan hô và cám ơn anh Thuật rất nhiều vì đã dũng cảm viết một tâm thư gửi Đ/C Chủ tịch nước. Tôi tin rằng bác Tư Sang sẽ có quyết định sớm xóa bỏ dự án xây đập thủy điện này. Thiệt hại thì vô số kể,còn lợi thì chỉ một nhóm người.

    • Blanca
    04/09/2012 11:00
    Coi bộ ngành xây dựng đập thuỷ điện " Ngon Ăn " lắm hay sao mà tàn phá thiên nhiên để xây hết cái này đến cái kia ? Xây chưa xong công trình đã co sự cố, điện thì lúc nào cũng thiếu! Thôi không nói nữa " Quyền " là của mấy " ÔNG "

    • TEO
    04/09/2012 11:00
    Rừng U Minh Thượng đã bị cháy vì hỏa hoạn nên hiện nay chỉ còn trong sách vở. Đến lượt QG Cát Tên sắp bị con người tàn phá. Cảm ơn TS Nguyễn Huỳnh Thuật đã viết tâm thư.

    • Nguyễn Lộc
    04/09/2012 11:20
    Kính mong Chủ tịch nước quan tâm xem xét để bảo tồn được rừng nguyên sinh quốc gia, tránh các nhóm lợi ích tàn phá di sản để lại cho thế hệ mai sau.

    • Nguyễn Mạnh Hùng
    04/09/2012 12:10
    Chúng ta phải hành động quyết liệt không để một số cá nhân phá hoại môi trường thiên nhiên của đất nước mãi được.

    • dao
    04/09/2012 12:43
    Các ông ơi, đời cha ăn mặn thì đời con khát nước đấy.

    • tran
    04/09/2012 13:19
    Sau khi cơ bản hoàn tất việc phá rừng phòng hộ tại miền Bắc và Tây Nguyên,góp phần tạo nên lũ quét, ngập lụt thường xuyên tại miền Bắc và miền Trung, thì đến bây giờ các công trình thủy điện lại bắt đầu xâm chiếm những mảnh rừng còn sót lại tại phía Nam.

    • người HN
    04/09/2012 14:03
    Cám ơn và ủng hộ lá thư của TS Nguyễn Huỳnh Thuật

    • Anh Quân
    04/09/2012 15:12
    Ai cứu rừng Cát Tiên?Thường dân như tôi có cứu được không? Đáng lẽ ra phải hỏi Chính phủ về việc này chứ?Dân làm gì mà cứu được?

    ReplyDelete
  7. • TH
    04/09/2012 16:23
    Cảm ơn TS Nguyễn Huỳnh Thuật và BBT báo Người Lao Động hết lòng bảo vệ sự sinh tồn của VQG Nam Cát Tiên.

    • lele
    04/09/2012 17:51
    Vấn đề cần thiết phải bảo vệ nguyên vẹn những gì của tự nhiên - thiên nhiên này đã được tôi báo cáo tại Hội thảo quốc tế UNESCO về quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển khu vực Đông Nam Á vào năm 2007, được thế giới quan tâm, hoan nghênh, khích lệ và chia sẻ sâu sắc. Việc này Bộ TNMT có biết không? Còn nếu "mấy ổng" đòi làm quá thì hãy ký vào biên bản trách nhiệm đi (về lâu dài, chứ không phải trong nhiệm kỳ). Như khi tôi ký sơ yếu lý lịch để xin việc làm: Nếu có điều gì sai trái xảy ra, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Pháp luật hiện hành.

    • Bùi Tuấn Chung
    04/09/2012 17:57
    Hãy làm tất cả những gì có thể để cứu lấy vườn Quốc gia, cứu lấy tương lai giống nòi VN khỏi thảm họa môi trường .

    • minhcsg
    04/09/2012 18:55
    Tôi rất cảm kích tâm thư của TS Nguyễn Huỳnh Thuật; Xin cảm ơn ông đã thay lời muốn nói của hơn 80 triệu người dân đất Việt không muốn nhìn thấy những vết thương đang bị tàn phá dần trên thân thể dãy đất hình chử S thiên liêng này! Mọi "cố gắng" tàn phá nét đẹp của thiên nhiên mà chúng ta đang thừa hưởng và cố gìn giữ đều là TỘI ÁC với con cháu mình!

    • Sao Khuê
    04/09/2012 18:58
    Vẫn xin ý kiến người dân, cuối cùng thuỷ điện vẫn hoàn thành, hãy chờ đấy, lợi nhuận do thuỷ điện mang lại không bằng lợi nhuận do được phép khai thác gỗ trong thuỷ điện mang lại.

    • quangminh
    04/09/2012 19:44
    Tôi không tin những kẻ đang cố làm thủy điện cho bằng được ở rừng Nam Cát Tiên là những người tử tế. Kể cả chủ đầu tư và những ngụy trí thức... Họ núp dưới danh nghĩa phát triển, đưa nhân dân ra để làm bình phong cho âm mưu kiếm tiền của họ.

    • Bùi Tuấn Chung
    04/09/2012 20:58
    Hãy nhìn thủy điện Sông Tranh, đến lúc trả giá rồi đấy thì chả cá nhân tổ chức nào nhận trách nhiệm đâu. Chỉ chết dân đen thôi.

    • Khánh Ngân
    04/09/2012 22:29
    Chẳng khác nào là lâm tặc, chỉ khác một chút là được bảo kê thôi. Bây giờ hết rừng rồi tấn công khai thác rừng QG Nam Cát Tiên, thật là danh chính ngôn thuận. Thương quá đất nước tôi..

    • Hoang Nguyen
    05/09/2012 13:30
    Anh có thể là 1 anh hùng, anh cứu được trước mắt chứ về sau không làm thủy điên thì rừng cũng chẳng còn với mấy tay lâm tặc. Rồi mai mốt con cháu sau này chỉ được biết rừng ở sách vỡ và video internet

    • châu
    06/09/2012 15:47
    Bán cho hết đi rồi mà chịu hậu quả bao nhiêu công trình thủy điện gây lại tai họa lớn như vậy rồi mà còn chưa sáng mắt ra. Tôi thất vọng quá rồi

    • Vũ Trần
    07/09/2012 09:04
    Hy vọng Cát Tiên được cứu! Hồn tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm Rừng điêu tàn tổ quốc suy vong!

    • Tuệ Đ. Thịnh
    08/09/2012 06:52
    Nguy hiểm quá, như thế này thì hàng triệu người dân sống bên dưới vùng hạ lưu sao an ổn được. Bài học nhãn tiền là kích thích động đất và nguy cơ vỡ đập tại thủy điện Sông Tranh 2 và hạn khô từ thủy điện Sông Ba,... Xin hãy dừng lại dự án! Nói không với thủy điện trong vùng lõi khu bảo tồn, nói không với việc lấy chiếm đất rừng và xây dựng công trình trong vùng lõi của khu rừng đặc dụng vì điều này vi phạm vào điều 7 của Luật đa dạng sinh học, vi phạm Luật BV và PT rừng, vi phạm các công ước quốc tế mà VN đã ký tham gia như: Công ước Ramsar, Công ước đa dạng sinh học, Công ước bảo vệ di sản và Tuyên bố Yamato về bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nào hãy cùng chung tay cứu lấy rừng Cát Tiên. Bảo vệ Cát Tiên chính là bảo vệ chính ta, bảo vệ cho tương lai con cháu chúng ta còn có bầu khí quyển trong lành để nhẹ thở.

    ReplyDelete